Cách khắc phục những bất lợi của nhà đầu tư cá nhân trước nhà đầu tư tổ chức?
Xin chào các anh/chị!
Lần trước Hà có viết 1 bài về những lợi thế và bất lợi của nhà đầu tư cá nhân so với các nhà đầu tư tổ chức (nhà đầu tư chuyên nghiệp), các bạn có thể xem lại bài viết tại đây: Nhà đầu tư cá nhân có vượt trội hơn được nhà đầu tư tổ chức khi tham gia đầu tư chứng khoán?
Qua bài viết trên những nhà đầu tư cá nhân có thể biết cách để phát huy những lợi thế của mình, tuy nhiên do bài viết quá dài nên mình tách thành một bài khác để hướng dẫn các anh/chị cách khắc phục những bất lợi trước các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi chúng ta đầu tư với vài trò là nhà đầu tư cá nhân.
Bất lợi do ít vốn hơn
Do các nhà đầu tư tổ chức thường có số vốn lớn, chính vì thế họ có lợi thế hơn cá nhân trong một số trường hợp:
- Bạn thấy một cổ phiếu giá tốt, nếu mua thì cơ hội có lời là rất lớn (ví dụ một công ty tốt vừa mới lên sàn, một công ty vừa báo lãi lớn và giá cổ phiếu đang dưới giá niêm yết, công ty có vốn hóa thấp hơn cả vốn điều lệ…), nhưng do không còn tiền hoặc tiền đang nằm trong các cổ phiếu khác nên bạn không thể nắm bắt được cơ hội lần này. Ngược lại các nhà đầu tư tổ chức luôn có sẵn tiền mặt hoặc có thể huy động thêm vốn rất nhanh nếu cần, vì thế họ luôn nắm chắc được những cơ hội như vậy và tận dụng các khoản lời này có thể dùng để bù lỗ cho những cổ phiếu chưa sinh lời hoặc đang chịu lỗ.
- Một cổ phiếu bạn đang mua với giá 50000 đ/1 cổ phiếu, giá hiện tại đã chia 3,4 xuống còn 12000 đ – 20000 đ / 1 cổ phiếu. Công ty vẫn đang làm ăn tốt và có lời, giá giảm do nhiều yếu tố khách quan khác như cả thị trường chung giảm bởi ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, cổ đông lớn cần bán cổ phiếu gấp để xử lý việc cá nhân của họ… Nhưng vì đã hết tiền nên dù bạn đang thấy cơ hội có thể mua giá ở đáy để trung bình giá cổ phiếu thì bạn cũng không còn vốn để mua chứng khoán đó nữa. Còn các nhà đầu tư tổ chức do có số vốn lớn nên họ vẫn còn tiền mặt để mua tiếp ở mức giá 15000đ, trung bình giá mua cổ phiếu của họ giờ còn (50000+15000)/2 = 32500 đ / 1 cổ phiếu. Bạn có thể thấy khi giá cổ phiếu quay lại mức 50000đ / 1 cổ phiếu, bạn mới chỉ hòa vốn trong khi các nhà đầu tư tổ chức đã có lời 50000/32500 = 53.8%.
- Và còn rất nhiều cơ hội khác mà nếu có tiền, có vốn lớn bạn có thể tham gia kiếm lời trên thị trường chứng khoán được.
Để khắc phục điểm bất lợi do ít vốn hơn các nhà đầu tư tổ chức, bạn không nên mua cổ phiếu chỉ 1-2 lần với toàn bộ số vốn mình định đầu tư, mà nên chia nhỏ ra thành nhiều lần mua (ít nhất 5 lần). Theo kinh nghiệm của Hà nếu trong thời kỳ kinh tế vĩ mô phát triển tốt, thị trường tăng trưởng, chúng ta nên chia thành 5 lần mua, còn nếu khi thị trường biến động thất thường, kinh tế vĩ mô bất ổn, chúng ta nên chia thành 10 lần mua một cổ phiếu trong số vốn mà bạn dự định đầu tư. Lần mua sau nên giải ngân khi giá cố phiếu giảm hơn 10% so với giá trung bình mà bạn đang mua. Ví dụ sau 3 lần mua, giá trung bình của 1 cổ phiếu bạn đang mua là 30000đ/1 cổ phiếu. Lần mua thứ 4 nên cân nhắc sau khi giá đã giảm xuống dưới 30000/1.1 = 27300 đ / 1 cổ phiếu.
Vì dụ bạn dự định đầu tư mua cổ phiếu công ty A với số vốn là 100 triệu đồng. Năm nay bạn cảm nhận thấy thị trường biến động thất thường, kinh tế đang có dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng… bạn sẽ mua cổ phiếu A thành 10 lần, mỗi lần mua sẽ chỉ giải ngân 100 triệu / 10 = 10 triệu / 1 lần mua. Giao dịch mua/bán thành nhiều lần giúp bạn có lợi thế:
- Lúc nào tài khoản bạn cũng còn tiền mặt, vì thế khi có cơ hội có thể kiếm lời chắc chắn, bạn có thể dùng số tiền chưa giải ngân hết để tận dụng cơ hội đó. Ví dụ sau khi giải ngân 3 lần hết 30 triệu, bạn vẫn còn 70 triệu, nếu thấy cơ hội kiếm lời chắc chắn trong thời gian ngắn, bạn mang 70 triệu này đi đầu tư vào cơ hội đó và sinh lời thành 75 triệu (lời 7.1%), sau đó bạn vẫn để ra 70 triệu cho các lần giải ngân tiếp theo, còn 5 triệu tiền lời sẽ dành cho công việc hoặc khoản đầu tư khác.
- Khi thị trường sụp giảm, bạn luôn còn tiền mặt để mua giá cổ phiếu ở mức đáy, từ đó giá trung bình cổ phiếu bạn đã mua cũng sẽ giảm. Qua một số đợt hồi phục của thị trường là bạn đã bắt đầu có lãi trong khi những nhà đầu tư khác vẫn đang hòa vốn. Nếu chia làm 10 lần mua theo quy tắc sau khi sụp giảm 10% phía trên, lần mua thứ 10 giá cổ phiếu đã giám 60% so với giá lần đầu bạn mua rồi!
Bất lợi do thiếu kiến thức tài chính, kế toán doanh nghiệp
Tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào bạn cũng cần tự trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết của lĩnh vực đó mới có thể có nhiều cơ hội thành công. Vì thế đầu tư chứng khoán cũng vậy, bạn nên khắc phục bất lợi này bằng các biện pháp như:
- Mua thêm các sách về đầu tư, kinh tế vĩ mô, giao dịch chứng khoán… để đọc và học thêm trong thời gian rảnh.
- Tham gia các khoán học đầu tư chứng khoán ngắn hạn từ 3 – 6 tháng ở một số trung tâm uy tín.
- Tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm về đầu tư chứng khoán, forex, kinh tế vĩ mô, bất động sản hoặc bất cứ nhóm nào liên quan đến kinh tế… để tìm hiểu và học hỏi thêm.
- Xem thời sự và các bản tin kinh tế vĩ mô, các bản tin cập nhật thị trường hàng ngày.
- Nếu có điều kiện và thời gian bạn nên đăng ký học thêm văn bằng 2 hoặc tại chức ở các trường đào tạo kinh tế có uy tín.
Bất lợi do dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý tham lam/sợ hãi khi giao dịch
Yếu tố này thì đòi hỏi bạn phải tự rèn luyện và rút kinh nghiệm cho bản thân sau một thời gian tham gia giao dịch ở trong thị trường chứng khoán. Tuy nhiên với kinh nghiệm của Hà thì có một số biện pháp sau đây giúp bạn khắc phục lỗi tâm lý tham lam hoặc sợ hãi khi mua bán cổ phiếu:
- Lên kế hoạch cụ thể trước khi đầu tư vào cổ phiếu nào đó như tổng số vốn dự định đầu tư, số tiền giải ngân lần 1, lần 2… lần 10. Có kế hoạch trước thì khi giao dịch bạn sẽ thoải mái tâm lý và không bị những yếu tố ngoài kế hoạch ảnh hưởng.?
- Không nên giao dịch lúc thị trường đang tăng nóng hoặc giảm mạnh với biên độ lớn (>8%), chỉ giao dịch mua bán khi thị trường đang bình tĩnh.. Có thể bạn sẽ lỡ mất một số cơ hội kiếm lời nhanh hoặc cắt lỗ nhanh, tuy nhiên đa phần những lúc này bạn sẽ không đủ thời gian, lý trí để phân tích và giải thích tại sao mình lại mua hoặc bán cổ phiếu tại thời điểm đó, vì thế dù có thể kiếm được một khoản lời bạn cũng sẽ không hỏi hỏi thêm được gì từ thị trường. ?
- Nếu cơ hội ai cũng nhìn thấy thì bạn nên tự nhủ “cơ hội đó sẽ không đến lượt mình đâu” và đừng nên tham gia, kể cả sau đó bạn thấy tiếc vì bỏ lỡ. Bởi bạn kiếm được lợi nhuận là do may mắn chứ không phải do kiến thức của bạn, vì thế bạn không xứng đang có được khoản lợi nhuận đó.
- Trước khi mua hoặc bán bất cứ cổ phiếu nào, bạn nên trả lời câu hỏi “tại thời điểm này ai là người mua, ai là người bán?” và không nên đứng về phía số đông. Nếu số đông đang bán chứng khoán, bạn có thể chọn không bán hoặc mua thêm, nếu số đông đang mua cổ phiếu, bạn có thể chọn không mua hoặc bán ra.
Bất lợi do không dành nhiều thời gian cho công việc đầu tư
Thời gian dành cho việc đầu tư bao gồm thời gian theo dõi và cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, theo dõi thị trường chứng khoán, giá cả, thời gian để học tập và trang vị kiến thức về chứng khoán, tiền tệ… Chứ sau khi quyết định được mua hoặc bán cổ phiếu nào thì bạn chỉ mất vài phút để hoàn tất 1 lệnh giao dịch. Nếu bạn đang có một công việc làm từ 8h sáng đến 17h30 tối thì bạn có thể dành khoảng thời gian sáng sớm hoặc buổi tối cho công việc đầu tư. Hà thường dành từ 5h sáng đến 7h30 và 19h đến 21h30 hàng ngày để theo dõi thị trường, học tập và trang bị kiến thức đầu tư. Như vậy chúng ta có thể dành tới 5 tiếng / 1 ngày cho công việc đầu tư chứ không chỉ mỗi 1-2 giờ.
Bất lợi do không thể làm việc trực tiếp với ban giám đốc công ty đang đầu tư
Nếu bạn không có cơ hội trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo công ty thì bạn có thể tìm hiểu thông qua các cuộc phỏng vấn của họ với báo chí, qua Facebook của từng cá nhân lãnh đạo… Một số từ khoá giúp bạn tìm kiếm dễ hơn qua Google như “Ban lãnh đạo công ty A là ai, phỏng vấn ông X lãnh đạo công ty A, kế hoạch 2022 của công ty A, tên giám đốc công ty A”… hoặc tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến công ty đó trên Facebook, Telegram, Zalo… để tìm kiếm thêm thông tin giúp bạn hiểu hơn về tình hình tài chính và các kế hoạch tương lai của doanh nghiệp đó.
Qua bài viết trên, mình đã trình bày những kinh nghiệm thực tế của bản thân để khắc phục những bất lợi khi bạn là một nhà đầu tư cá nhân trước các nhà đầu tư tổ chức. Mình đã áp dụng và cũng đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư cá nhân rất thành công, nhân gấp 10, 20 lần số vốn đầu tư của mình trong khoảng thời gian 5-7 năm.
Các anh/chị muốn có thêm ý kiến để trao đổi thảo luận thì bình luận dưới bài viết này nhé, Hà luôn chào đón tất cả quan điểm cùng chiều lẫn trái chiều để chúng ta cùng học hỏi thêm lẫn nhau.
Chúc các bạn đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, vàng, tiền số, bất động sản… có lợi nhuận và thành công!