Về chúng tôi

Bài mới nhất

Kiếm tiền, Kiến thức kinh tế

Có nên mua nhượng quyền trà sữa Mixue?

Mấy ngày nay trên mạng ngập tràn các bài viết xoay quanh thương hiệu trà sữa Mixue. Bản thân mình cũng là dân làm chuỗi và cũng có chút kinh nghiệm nho nhỏ nên có thể chia sẻ tới anh em.

Hiểu về mô hình nhượng quyền

Chắc các bạn cũng không còn quá xa lạ với nhượng quyền. Nói đơn giản thì nó chính là việc chia sẻ quyền kinh doanh 1 thương hiệu hay 1 sản phẩm gì đó. Mô hình này không quá mới tại Việt Nam nhưng nó thực sự nở rộ trong vài năm gần đây. Trước đó chúng ta thường nghe đến những thương hiệu lớn nhượng quyền kinh doanh như: Cộng Cà Phê, Highland, Aha… Nhưng làn sóng nhượng quyền có lẽ bùng nổ nhất từ khi có trào lưu làm mì cay, trà sữa, sữa chua trân châu, trà chanh… Đó là những thương hiệu nhỏ nhưng làm rất nhanh và mạnh (mạnh về việc mở rộng và marketing).

Những hình thái nhượng quyền mà mình biết

Nhượng quyền thương hiệu (Franchising): Người nhượng quyền cho phép người nhận quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh của họ. Người nhận quyền thường phải trả một khoản phí nhượng quyền và một phần doanh thu hoặc lợi nhuận cho người nhượng quyền.

Nhượng quyền dự án (Project Licensing): Trong trường hợp này, người nhượng quyền cấp phép cho người nhận quyền sử dụng hoặc thực hiện một dự án cụ thể hoặc công việc cụ thể dưới sự giám sát hoặc hướng dẫn của họ.

Nhượng quyền phần mềm (Software Licensing): Các công ty phần mềm có thể cấp phép cho khách hàng sử dụng phần mềm của họ theo các điều khoản cụ thể, thường là dưới dạng giấy phép có điều kiện hoặc giấy phép sử dụng cuối cùng.

Nhượng quyền bất động sản (Real Estate Licensing): Người sở hữu bất động sản có thể cho phép người khác sử dụng hoặc thuê tài sản của họ trong một khoảng thời gian cụ thể và dưới các điều kiện cụ thể.

Nhượng quyền tài sản trí tuệ (Intellectual Property Licensing): Người sở hữu tài sản trí tuệ, chẳng hạn như bằng sáng chế, nhãn hiệu, hoặc bản quyền, có thể cấp phép cho người khác sử dụng tài sản trí tuệ này trong việc sản xuất hoặc phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ.

Nhượng quyền thương mại (Commercial Licensing): Đây là một hình thức tổ chức doanh nghiệp, trong đó một công ty cấp phép cho công ty khác sử dụng công nghệ, dự án, hoặc sản phẩm của họ trong việc sản xuất hoặc phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ.

Nhượng quyền liệu có lợi nhuận?

Mô hình nhượng quyền thường có 2 mặt của nó. Về phía doanh nghiệp, đây là cách giúp họ mở rộng nhanh và mạnh. Đối với nhà đầu tư, thì đây là cách họ đi tắt trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên không phải mô hình nào cũng mang lại lợi nhuận.

Nếu tham gia nhượng quyền vào giai đoạn 2015 với các thương hiệu lớn như: Highland, Cộng Cafe, Ding Tea… thì phần lớn các nhà đầu tư thu lãi lớn. Nhưng số vốn đầu tư không hề nhỏ, vài trăm triệu cho đến vài tỷ 1 cửa hàng. Bù lại rủi ro thấp hơn.

Ở thời điểm hiện tại theo mình thấy mô hình này đã rơi vào điểm bão hòa. Vì thương hiệu nào cũng muốn nhượng quyền để đi nhanh hơn. Những thương hiệu lớn thì chi phí nhượng quyền đã tăng lên rất nhiều, thương hiệu nhỏ thì khó cạnh tranh và rủi ro lớn.

Mình cũng đã được biết có những đội nhóm họ chỉ đánh theo trend. Họ có đội ngũ nhân viên ngồi nghiên cứu và phát triển ra các thương hiệu chớp nhoáng. Họ thậm chí không mở 1 cửa hàng nào, chỉ vẽ mô hình rồi chạy quảng cáo để lôi kéo các nhà đầu tư. Thường những mô hình này không bền vững, sản phẩm không đặc biệt, tính cạnh tranh cao. Những nhà đầu tư không thông thái thì chỉ mất tiền, không có ngày hòa vốn.

Phân tích trường hợp nhượng quyền trà sữa Mixue

Về thương hiệu Mixue

Trà sữa Mixue là một thương hiệu kem và trà sữa cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc. Thương hiệu này được thành lập từ năm 1997 và hiện đang trở thành một trong những chuỗi kem giá rẻ lớn nhất Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại số lượng cửa hàng của Mixue đã lên đến 22,000 cửa hàng.

Ở Việt Nam số lượng cửa hàng đâu đó gần 2,000. Có thể nói đây là 1 con số rất ấn tượng cho 1 hệ thống nhượng quyền tính đến thời điểm hiện tại.

Chiến lược của Mixue

Thương hiệu Mixue chọn sản phẩm chính là kem và các loại trà sữa. Menu của họ không cần quá đa dạng. Đặc điểm của các sản phẩm này là đơn giản và rất dễ đóng gói để nhân bản. Đây là chiến lược rất hay cần phải học khi làm chuỗi. Bởi vì sản phẩm quá phức tạp sẽ rất khó đồng bộ được hệ thống. Nhưng chiến lược sản phẩm đơn giản cũng có 1 vấn đề là “dễ bị sao chép”.

Các sản phẩm của Mixue có mức giá từ 10 – 25 nghìn. So với mặt bằng chung thì các sản phẩm thương hiệu Mixue cung cấp có giá rất rẻ. Mức giá này phù hợp với học sinh, sinh viên và các gia đình có trẻ nhỏ. Nói chung sản phẩm rất dễ tiếp cận tới người dùng bình dân.

Vì thế khi sản phẩm được cung cấp đến khách hàng cuối (người dùng cuối cùng) là đủ hấp dẫn về mặt giá bán lẫn cả hình thức. Ngoài ra Mixue cũng là một trong thương hiệu marketing rất tốt, những điều này đã tạo nên sức hút của thương hiệu Mixue.

Vậy kiếm tiền từ việc kinh doanh có phải là mục tiêu chính của Mixue? Câu trả lời là không.

Thời gian đầu thì công ty Mixue kiếm tiền chủ yếu từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên khi đã tạo được tiếng vang thì Mixue đã đi một nước đi tức thời đó là “Nhượng Quyền”. Đây là nước đi đỉnh cao đã giúp Mixue mở khắp Trung Quốc trong 1 thời gian ngắn.

Sản phẩm mà công ty Mixue cung cấp đó chính là nhượng quyền kinh doanh trong đó bao gồm: thương hiệu, nguyên liệu, quy trình, đào tạo, xây dựng, thiết bị máy móc, phí quản lý…

Mixue ở Việt Nam cơ hội và rủi ro

Hiện tại Mixue đang có gần 2,000 cửa hàng tại Việt Nam. Con số này rất lớn, vượt xa các chuỗi khác cùng với lời cam kết thu hồi vốn trong 6 tháng đã khiến nhiều nhà đầu tư tự tin xuống tiền.

Xét về góc độ kinh doanh chuỗi thì công ty Mixue rất giỏi, nhưng dưới góc độ của người mua nhượng quyền thì việc kinh doanh theo mô hình này rất khó. Tôi sẽ phân tích luôn cái khó khi làm Mixue ở bên dưới nhé.

Chi phí quá lớn cho 1 cửa hàng

Chi phí mở 1 cửa hàng tại Việt Nam rơi vào khoảng 800 triệu (tôi gọi điện tham khảo khoảng 8 tháng trước). Phần 800 triệu này sẽ phân bổ cho các chi phí: máy móc thiết bị, phí thương hiệu 3 năm, phí đào tạo, xây dựng… Nói chung không có khoảng 800 triệu thì sẽ không đủ.

Với góc nhìn của người có chút kinh nghiệm thì khoản chi phí này quá cao. Đồng ý đây là thương hiệu có tiếng nhưng với số vốn 800 triệu thì chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn.

Mật độ mở cửa hàng

Thời điểm mình gọi điện hỏi về khoảng cách mở cửa hàng của Mixue thì các bạn kinh doanh báo khoảng 500m – 1km/1 cửa hàng. Nhưng trên thực tế, thời gian gần đây rất nhiều chủ cửa hàng đã than phiền rằng mật độ cửa hàng giảm xuống chỉ còn 200m trong nội thành.

Việc mở cửa hàng dày đặc như vậy thì hoạt động kinh doanh sẽ gặp khó khăn. Cầu thì ít mà cung thì ngày một nhiều. Mỗi cửa hàng kinh doanh ngoài việc phải cạnh tranh với các thương hiệu khác thì còn phải cạnh tranh với chính thương hiệu của mình.

Hơn nữa, mô hình kinh doanh của Mixue rất dễ sao chép nên đối thủ sẽ ngày một nhiều hơn, cạnh tranh khó hơn.

Giá bán rẻ là con dao 2 lưỡi

Giá bán của Mixue rất hấp dẫn, ai cũng có thể tiếp cận được. Tuy nhiên vì nó quá rẻ nên nhà đầu tư đang “bỏ tiền tỷ nhặt tiền lẻ“. Gần đây Mixue tiếp tục giảm giá bán nhiều sản phẩm tới 20% mà giá nguyên liệu đầu vào chỉ giảm 10%.

Cạnh tranh đã khó giờ lại càng khó hơn. Rất nhiều nhà đầu tư đang rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” vì số tiền đầu tư lớn mà đi nhặt từng đồng lẻ. Cơ hội thu hồi vốn ngày càng xa chứ chưa nói đến lãi.

Vậy những ai kiếm được tiền từ Mixue?

Những người kiếm được tiền từ trà sữa Mixue là những nhà đầu tư vào thời điểm ban đầu khi thương hiệu mới vào Việt Nam. Thời điểm mà việc mở rộng chưa tràn lan, thương hiệu chưa bùng nổ ở Việt Nam thì đó là thời điểm nhà đầu tư kiếm tiền tốt nhất. Thực ra bản chất các mô hình nhượng quyền đều vậy, càng về sau mức cạnh tranh sẽ càng khó hơn.

Có nên đầu tư vào Mixue thời điểm hiện tại?

Câu trả lời của mình là không. Thực ra lúc mình gọi Mixue để hỏi về nhượng quyền (lúc đó mới 600 cửa hàng) thì mình đã chốt không đầu tư. Vì số tiền đầu tư quá lớn cho 1 cửa hàng với các sản phẩm đơn giản như thương hiệu Mixue. Với số tiền đó tôi có nhiều sự lựa chọn hơn. Cuộc chơi với Mixue không khác gì “bỏ tiền tỷ nhặt tiền lẻ”.

Ngoài ra sản phẩm của trà sữa Mixue không có yếu tố khác biệt và mô hình lại dễ bị sao chép. Sau một thời gian thì các bạn cũng thấy rồi đó cả Mixue lẫn đối thủ mọc lên như nấm.

Kết luận

Kinh doanh nhượng quyền vẫn là hình thức rất tốt để phát triển doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh hơn; đối với nhà đầu tư thì sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức so với việc xây dựng 1 thương hiệu riêng từ đầu.

Rất nhiều thương hiệu đã phát triển cực thịnh qua hình thức nhượng quyền như: Highland, Cộng Cafe… Nhưng cũng không thiếu thương hiệu sớm nở tối tàn.

Kinh doanh nhượng quyền như con dao 2 lưỡi. Có rất nhiều mô hình sinh ra chỉ để “dụ dỗ” nhà đầu tư. Tất nhiên vẫn có rất nhiều mô hình làm kinh doanh trung thực, mang lợi nhuận cho cả thương hiệu lẫn người mua nhượng quyền. Là người kinh doanh bạn nên trang bị thêm kiến thức để tránh sa vào bẫy của các thương hiệu làm ăn kiểu chộp giật.

Cuối cùng đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình, các bạn có thể cho ý kiến ở ô bình luận bên dưới. Mình luôn hoan nghênh các ý kiến tranh luận thẳng thắn, cả cùng chiều lẫn trái chiều trên tinh thần học hỏi lẫn nhau, cùng nhau làm giàu chính đáng.

Cám ơn các bạn đã đọc bài!

Nguồn bài viết: https://twitter.com/TDCoin79/status/1710548661099475022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Nội dung bài viết