Về chúng tôi

Bài mới nhất

Kiến thức kinh tế, Nổi bật, Trải nghiệm cuộc sống

Có nên dạy trẻ con về tiền và cách quản lý chi tiêu?

Đây hẳn là câu hỏi mà tất cả các bậc làm cha mẹ đều rất quan tâm. Nếu bạn tìm kiếm câu hỏi này qua google sẽ nhận được rất nhiều bài báo, nhiều câu trả lời, các ý kiến khác nhau… Vì thế bài viết này chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả từ kinh nghiệm dạy con về tiền bạc, cách chi tiêu hợp lý và mình thấy các con đang có những hiểu biết về tiền bạc, chi tiêu rất hiệu quả.

Đầu tiên, chúng ta nên xem xét những mặt lợi, mặt hại khi cho trẻ em tiếp xúc sớm với tiền bạc.

Mặt lợi

  • Kích thích sự phát triển trí não, khả năng tính toán, tính nhẩm của trẻ. Sau một thời gian bạn sẽ thấy con bạn tính nhẩm cộng trừ nhân chia số tiền của con còn nhanh hơn giải toán ở trường rất nhiều ?
  • Trẻ nhận thức được sớm giá trị của đồng tiền, hiểu được cần phải lao động vất vả như thế nào để có được 5 nghìn, 10 nghìn, 100 nghìn, 500 nghìn … từ đó biết trân trọng đồng tiền, biết ơn cha mẹ nhiều hơn.
  • Trẻ biết cách chi tiêu hợp lý. Cái gì cần tiêu thì sẽ tiêu không tiếc tiền, cái gì không cần tiêu thì 1 đồng cũng không nên tiêu. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có thể chi chục triệu mua điện thoại xịn, xe xịn, đồng hồ xịn… nhưng khi gia đình có việc cần tiền lại không thấy chịu chi, hoặc đôi khi còn bịa ra nhiều lý do để xin thêm tiền của cha mẹ… như thế cũng là chi tiêu bất hợp lý.
  • Vấn đề tiền bạc sẽ xuất hiện liên tục trong cuộc sống, từ lúc con còn nhỏ đến khi trường thành, thậm chí ngay cả khi đã già. Vì thế không nên trốn tránh mà nên học hỏi, hiểu biết tiền bạc càng sớm càng tốt.
  • Hiểu được tiền chỉ là công cụ để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải là mục đích sống, không nên kiếm tiền bằng mọi giá. Cuộc sống sẽ còn rất nhiều điều quan trọng hơn tiền bạc. Đôi khi ki bo, không chi tiêu gì chưa hẳn là tốt, mà tiêu nhiều tiền chưa chắc đã là hoang phí, quan trọng nhất là phải tiêu tiền đúng mục đính chính đáng.
  • Con sẽ biết cách lập kế hoạch tài chính cho tương lai từ sớm. Ví dụ khi muốn mua 1 món đồ gì đó có giá trị lớn, con sẽ tự biết cách mỗi ngày, mỗi tuần nên tiết kiệm bao nhiêu, trong bao lâu sẽ có thể mua được món đồ đó.

Mặt hại

  • Nếu con có tiền một cách dễ dàng con sẽ không hiểu được công sức lao động vất vả để có được tiền là như thế nào?
  • Nếu bố mẹ cho chi tiêu tùy ý, không quản lý chặt chẽ, con sẽ có thói quen chi tiêu hoang phí vào những thứ không cần thiết.
  • Nếu bố mẹ chỉ suốt ngày đề cập đến tiền, quá coi trọng đồng tiền, con cái sẽ coi tiền như lẽ sống, sau này đôi khi có thể sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá.
  • Nếu bố mẹ quá chặt chẽ không cho con tiêu tiền vào những thứ mà con cảm thấy cần thiết, con cái có thể nảy sinh tâm lý thèm kiếm tiền hoặc ki bo không dám tiêu vào bất cứ việc gì bởi sợ bố mẹ mắng.

Như vậy qua những phân tích của Hà về cái lợi và hại khi cho trẻ tiếp xúc với tiền bạc từ sớm, cha mẹ có thể hiểu là nên khuyến khích trẻ kiếm tiền, dạy con cách chi tiêu càng sớm càng tốt. Kết quả tốt hay xấu chủ yếu phụ thuộc vào thái độ và cách dạy của từng bậc cha mẹ có phù hợp trong gia đình mình hay không? Dưới đây là kinh nghiệm của mình trong quá trình dạy con về quản lý tiền bạc trong gia đình mình, các bố mẹ có thể tham khảo:

Trẻ được cầm những khoản tiền nào?

Cha mẹ nên nói rõ ràng và giải thích cho trẻ những khoản tiền nào con sẽ được giữ làm tiền riêng của mình và tại sao? Những khoản tiền nào cần đưa lại cho bố mẹ và tại sao?

Khoản nào được tính là tiền riêng của con?

Đó là tiền do công sức lao động của con bỏ ra mà kiếm được. Con còn nhỏ nên lao động của con chủ yếu là học tập hoặc bán các đồ lặt vặt như giấy vụn, sắt vụn, phế liệu…. Lớn lên một chút con sẽ hiểu lao động chính là phải đi làm hàng ngày như bố mẹ.

  • Tiền do được thưởng từ thành tích học tập ở trường, lớp thì con được giữ 100% bởi vì đó là nỗ lực học tập, lao động của con. Khi cha mẹ nói rõ điều này cho con hiểu, con sẽ rất chủ động nỗ lực, tự giác để đạt thành tích cao trong học tập vì con biết khi có thành thích con sẽ được phần thưởng và phần thưởng đó được giữ là quỹ riêng của mình.?
  • Tiền do con lao động bên ngoài gia đình và kiếm được như đi nhặt chai, lọ, phế liệu để bán… thì đó là tiền của con. Vì thế thời gian rảnh con sẽ ít xem video youtube, chơi ipad, điện thoại mà sẽ ra ngoài làm thêm để kiếm tiền mua những thứ mình thích. ?
  • Tiền do con bán những đồ lặt vặt trong gia đình như giấy vụn, sắt vụn, phế liệu… thì cần hỏi ý kiến bố mẹ xem con có được giữ hay không? Thông thường nếu khoản tiền <= 50 nghìn thì mình sẽ cho con giữ làm quỹ riêng, còn nếu số tiền lớn hơn thì cũng chỉ cho con giữ tối đa 50 nghìn, phần còn lại sẽ đưa cho bố mẹ chi tiêu cho gia đình vì những đồ con bán cũng là đồ bố mẹ bỏ tiền mua về trước đây.
  • Một số ý kiến khuyên rằng nên cho trẻ một số tiền nhỏ khi trẻ giúp bố mẹ làm việc nhà… riêng mình lại nghĩ khác: việc nhà là việc chung của gia đình, việc nào vừa sức của con và con đang không bận học tập thì cần chủ động làm phụ giúp cha mẹ, nếu không làm thì đã có chiêu “đòn roi thần chưởng” ?

Khoản tiền nào trẻ cần đưa lại cho bố mẹ?

Đó là những khoản tiền không phải do sức lao động của con làm ra thì nên đưa lại hoặc hỏi ý kiến bố mẹ xem con có được giữ làm quỹ riêng hay không?

  • Tiền mừng của mọi người trong các dịp lễ tết, sinh nhật… con cần đưa lại cho bố mẹ để bố mẹ còn đi mừng lại cho con cái gia đình khác khi có các dịp lễ tết, sinh nhật tương ứng. Con cần hiểu rằng tiền người khác mừng cho mình cũng chính là tiền sau này cha mẹ sẽ cần mừng cho con người khác vậy. Tuy nhiên thường vào dịp tết mình sẽ cho con giữ lại tối đa 400 nghìn, dịp sinh nhật thì giữ lại tối đa 200 nghìn để con vui vẻ phấn khởi hơn trong các ngày vui của mình, của gia đình.?
  • Tiền bố mẹ cho ăn sáng, cho tiêu vặt… nhưng không tiêu hết cần đưa lại cho bố mẹ.
  • Tiền thừa khi bố mẹ nhờ đi chợ, đi mua đồ… cũng cần đưa lại hết cho bố mẹ.

Nên dạy trẻ chi tiêu thế nào là hợp lý?

Theo quan điểm của tác giả, nếu đã là tiền riêng và quỹ riêng của con thì con được phép chi tiêu tùy ý, chỉ cần không lãng phí là được bởi vì tiền đó đã là tiền do con lao động mà có được. Con có thể mua đồ ăn cho các bạn cùng ăn, có thể mua món đồ chơi, đồ dùng học tập con thích, thậm chí có thể chủ động biếu/tặng ông bà, bố mẹ nhân các dịp lễ tết… Còn nếu không phải tiền riêng của con mà con chưa tiêu hết cần đưa lại toàn bộ cho bố mẹ.

Tuy nhiên, nếu con tiêu tiền lãng phí, cha mẹ cần uốn nắn răn đe để lần sau con không tái phạm nữa. Một số hành động thể hiện tiêu tiền lãng phí như:

  • Làm mất/rơi tiền ở đâu đó.
  • Nạp thẻ Game online, gia đình mình thì cấm tuyệt đối.

Phía trên là toàn bộ cách gia đình Hà dạy con cái về quản lý tiền bạc, sau khi áp dụng theo nguyên tắc phía trên, mình thấy con có một số biểu hiện về quản lý chi tiêu tiền bạc rất tốt như:

  • Hiểu được sự vất vả của bố mẹ khi lao động để kiếm tiền lo cho gia đình.
  • Con chủ động nỗ lực trong học tập để đạt thành tích cao, để được thưởng vì con biết tiền thưởng 100% sẽ là tiền riêng của mình.?
  • Khi bố mẹ nhờ con đi chợ, mua giúp đồ… thừa số tiền nhỏ như 1 nghìn, 2 nghìn con cũng chủ động đưa lại cho bố mẹ.
  • Tiền riêng của mình, con chủ động mua đồ chơi, đồ ăn rất vui vẻ, trân trọng vì tiền do sức lao động của mình làm ra.
  • Giữ gìn rất cẩn thận tiền riêng của mình vì sợ rơi/mất sẽ bị ăn đòn. ?
  • Không quá coi trọng đồng tiền: con có thể chi số tiền lớn để mua đồ ăn cho các bạn cùng lớp, cùng xóm nhưng không bao giờ mua đồ chơi tùy tiện nếu con biết món đồ đó chỉ dùng vài lần sẽ chán.

Mong rằng bài viết trên sẽ giúp ích được cho các cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con mình về cách quản lý chi tiêu tài chính. Hà khẳng định lại quan điểm là “nên dạy trẻ biết cách kiếm tiền, quản lý chi tiêu hợp lý càng sớm càng tốt”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Nội dung bài viết