Về chúng tôi

Bài mới nhất

Kiến thức kinh tế, Tiết kiệm, Trải nghiệm cuộc sống

Nên chi bao nhiêu tiền để mua điện thoại?

Hôm nay nhân dịp iPhone 14 mới ra mắt với phiên bản cao nhất là iPhone 14 Pro max 256GB giá 37 triệu đồng, qua báo chí Hà được biết thông tin người việt rất chịu chi – đã chi tới hàng trăm tỉ để đặt hàng mua iPhone mới trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19 – nên mình nảy sinh ý tưởng xem mỗi người chúng ta nên chi bao nhiêu tiền để mua điện thoại dựa trên thu nhập của mỗi cá nhân. Đối với nhiều người 37 triệu không phải là số tiền lớn bởi thu nhập của họ cao lên tới vài chục triệu 1 tháng, nhưng đối với phần đông người việt thì 37 triệu thực sự là một con số lớn. Vì vậy nên chi bao nhiêu tiền để mua điện thoại được xem là hợp lý, chúng ta hãy cùng đọc và thảo luận qua bài viết này nhé. ?

Bạn cần bao nhiêu tiền 1 tháng cho những nhu cầu thiết yếu?

Theo thống kê thì phần lớn người lao động ở việt nam (có thu nhập đều hàng tháng) dành 50% – 90% thu nhập hàng tháng cho những nhu cầu thiết yếu, thậm chí con cao hơn nếu bạn đã có gia đình và con cái. Ở đây chúng ta chỉ bàn luận đến những người vẫn đang sống phụ thuộc vào một hoặc nhiều nguồn thu nhập hàng tháng, có nghĩa là hàng tháng bạn cần có những nguồn thu nhập đó mới có thể duy trì được cuộc sống. Chúng ta không bàn về những người giàu chi tiêu không cần quan tâm đến số tiền, hoặc những người không cần nguồn thu nhập cố định hàng tháng mà họ vẫn sống dư dả, thoải mái. Ví dụ thu nhập của bạn là 10 triệu, 20 triệu hay 50 triệu, 100 triệu 1 tháng… nhưng bạn vẫn cần nguồn thu này có đều hàng tháng mới có thể duy trì những nhu cầu trong cuộc sống của bạn và gia đình thì bạn vẫn được coi là người lao động, chỉ là lao động thu nhập thấp, trung bình hay cao mà thôi.

Nhu cầu thiết yếu theo định nghĩa của mình là những nhu cầu bắt buộc phải chi, không thể trì hoãn được. Đó không chỉ là tiền ăn, tiền điện, nước, tiền internet, tiền cho con cái đi học, tiền chữa bệnh… Một số khoản chi vẫn được tính là như cầu thiết yếu như:

  • Xe máy bạn đi bị hỏng, bạn bắt buộc phải chi tiền đi sửa, không thể trì hoãn được vì nếu không sửa thì lấy phương tiện gì để đi làm?
  • Điện thoại vỡ màn hình, bạn cũng bắt buộc phải đi thay, không trì hoãn được vì không thay thì lấy gì để liên lạc, để sử dụng làm việc…
  • Ngày tết nhất định phải biếu bố mẹ.
  • Bạn bè đã có lời mời đi đám hiếu hỉ, nhất định phải có phong bì.
  • Lớp con tổ chức đóng tiền đi dã ngoại, cả lớp đã đóng xong tiền thì bạn cũng phải đóng tiền cho con bạn chứ chẳng lẽ cả lớp đi chơi mỗi con bạn ở nhà.

Trên đây là mình liệt kê một số khoản chi mọi người hay gặp, còn tùy hoàn cảnh của mỗi người sẽ có thêm những nhu cầu thiết yếu khác nữa. Trước khi chi một khoản tiền nào đó bạn chỉ cần trả lời câu hỏi “khoản này có bắt buộc phải chi hay không? Không chi có được không? Trì hoãn có được không?” Nếu là thì bạn sẽ biết được khoản chi đó là thiết yếu?

Tuy nhiên có nhiều khoản chi thiết yếu không xuất hiện đều đặn hàng tháng giống như ăn, uống, điện nước, con cái học tập… Ví dụ tháng này có thể ngoài ăn, uống, điện, nước, con cái bạn không phải chi thêm khoản nào thiết yếu nữa, nhưng tháng sau lại phát sinh thêm một số khoản chi như xe hỏng, điện thoại vỡ màn hình, con đi đã ngoại… Vì vậy để thống kê cụ thể được 1 tháng bạn cần bao nhiêu tiền để sử dụng cho nhu cầu thiết yếu, bạn nên ghi chép lại hoặc dùng phần mềm theo dõi chi tiêu để thống kê trong một khoảng thời gian đủ dài, thường ít nhất 6 – 12 tháng, sau đó lấy tổng số tiền đã chi chia cho số tháng, bạn sẽ biết được trung bình 1 tháng bạn cần bao nhiêu tiền để sống bình thường, số tiền này chiếm bao nhiêu % trong thu nhập hàng tháng của bạn?

Nhu cầu không thiết yếu là gì?

Nhu cầu không thiết yếu theo mình định nghĩa là những khoản không cần bắt buộc phải chi cũng được. Ví dụ như:

  • Đi nhậu hàng tuần: Nếu hết tiền thì nghỉ vài tuần cũng không sao, còn nhiều dịp khác. Tuy nhiên nếu bạn bè 5-10 năm mới gặp nhau thì bạn nên đi và khoản này lại được tính vào nhu cầu thiết yếu, không tiêu không được !!! ?
  • Cafe buổi sáng hoặc buổi tối: Không đi cũng không sao, hết tiền rồi !!!
  • Tiền mua quà vặt hàng ngày hoặc cuối tuần cho con: Hết tiền thì tạm nghỉ !!!?
  • Cho con đi vui chơi giải trí hàng tuần, hàng tháng: Hết tiền thì 1 tháng đi 1 lần, có tiền thì 1 tuần đi 1 lần, giàu thì đi hàng ngày luôn !!!?
  • … Và còn rất nhiều khoản khác, bạn chỉ cần trả lời câu hỏi “khoản này có bắt buộc phải chi hay không? Không chi có được không? Trì hoãn có được không?” Nếu là KHÔNG thì khoản đó chính là nhu cầu không thiết yếu.

Bạn có thể tiết kiệm tối đa bao nhiêu tiền 1 tháng?

Lấy thu nhập của bạn trừ đi số tiền dành cho nhu cầu thiết yếu, bạn sẽ ước lượng số tiền bạn có thể tiết kiệm tối đa trong 1 tháng. Tất nhiên sẽ có tháng bạn tiết kiệm được nhiều hoặc ít hơn số tiền này, vì thế chúng ta có thể xem như đây là số tiền tiết kiệm bình quân 1 tháng trong 6 – 12 tháng mà bạn đã thống kê. Nhiều bạn thắc mắc tính ra thì cũng tiết kiệm được nhiều đó, nhưng sao cuối tháng lại chẳng còn chút tiền nào vậy là sao? Tôi cũng đang thắc mắc y hệt bạn này !!!??‍♀️

Bởi vì nếu chưa có nhu cầu cần dùng đến số tiền này, bạn có thể chi nó vào các nhu cầu không thiết yếu khác như đi nhậu, đi mua sắm quần áo, đi du lịch… Chính vì thế số tiền thực tế còn lại sau mỗi tháng không nhiều. ?

Bạn nên mua điện thoại tối đa bao nhiêu tiền?

Theo quan điểm của Hà, nếu bạn chưa có gia đình thì bạn có thể mua sắm 1 chiếc điện thoại có giá trị bằng 3 lần số tiền tiết kiệm tối đa hàng tháng của bạn, còn nếu đã có gia đình thì bạn chỉ nên dành 2 lần số tiền tiết kiệm tối đa hàng tháng để chi tiêu cho điện thoại. Còn nhiều hơn 3 lần, tương ứng với hơn 3 tháng đi làm của bạn thì là không nên. Bạn hãy nghĩ đến công sức lao động của bạn, bạn đi làm hơn 3 tháng vất vả chỉ để mua 1 chiếc điện thoại thôi sao? Như vậy sau 3 tháng đi làm của bạn, số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn được cũng chỉ tương đương với những người 3 tháng tự do nghỉ ngơi không đi làm??? ?‍♂️ Hơn nữa 3 tháng là 1 khoảng thời gian khá dài đủ để phát sinh nhiều khoản chi tiêu bất ngờ mà bạn không tính trước được. Bạn có thể xem các doanh nghiệp vẫn phải báo cáo hàng quý (3 tháng) vì quý trước, quý sau kết quả kinh doanh đã khác nhau.

Ví dụ số tiền tiết kiệm tối đa hàng tháng của bạn là 4 triệu, nếu có gia đình bạn nên mua 1 chiếc điện thoại 4 x 2 = 8 triệu, còn nếu đang độc thân, có ít các khoản chi tiêu cần thiết hơn, bạn có thể dành 4 x 3 = 12 triệu để sắm một chiếc điện thoại mình thích.

Tại sao nên lấy số tiền tiết kiệm tối đa để tính toán mà không dựa trên thu nhập?

Bởi vì mức sống, mức chi tiêu của mỗi người, mỗi gia đình là khác nhau. Bạn có thể thu nhập cao, nhưng chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của bạn lớn thì số tiền tiết kiệm hàng tháng của bạn cũng còn rất ít. Ngược lại bạn thu nhập bình thường nhưng mức sống tối giản hóa hết mức thì số tiền tiết kiệm hàng tháng của bạn lại lớn.

Bạn có thể xem ví dụ sau:

  • 1 gia đình nhỏ tổng thu nhập 2 vợ chồng là 60 triệu 1 tháng (chồng thu nhập 40 triệu / 1 tháng, vợ thu nhập 20 triệu / 1 tháng).
  • Gia đình có 2 đứa con đang học trường quốc tế, học phí trung bình 20 triệu / 1 tháng, 2 con tổng cộng là 40 triệu 1 tháng.
  • Ngoài ra tiền điện nước, internet… trung bình 4 triệu / 1 tháng
  • Tiền ăn 10 triệu / 1 tháng cho cả 2 vợ chồng ăn trưa ở công ty và ăn tối tại gia đình.
  • Tiền chi cho vợ chồng, con cái khi bệnh nhẹ trung bình 1 triệu / 1 tháng.
  • Đó là còn chưa tính đến tiền thuê nhà hoặc nếu mua nhà thì phải trả lãi cho ngân hàng, đây cũng là số tiền không chi không được.

Như vậy số tiền tiết kiệm tối đa 1 tháng = 60 – 40 – 4 – 10 – 1 = 5 triệu / 1 tháng. Như vậy 2 vợ chồng chỉ nên chi số tiền 5 x 2 = 10 triệu để mua sắm điện thoại.

Cũng gia đình đó nếu con học trường công học phí trung bình 2.5 triệu / 1 tháng / 1 người thì tổng học phí cho 2 con chỉ là 2.5 x 2 = 5 triệu / 1 tháng. Như vậy số tiền tiết kiệm tối đa 1 tháng = 60 – 5 – 4 – 10 – 1 = 40 triệu / 1 tháng. Vì thế 2 vợ chồng có thể chi số tiền 40 x 2 = 80 triệu để mua sắm điện thoại.

Hoặc cũng gia đình đó nhưng thu nhập 2 vợ chồng tổng cộng là 30 triệu 1 tháng, họ cho 2 con học trường công học phí trung bình 2.5 triệu / 1 tháng / 1 người thì tổng học phí cho 2 con chỉ là 2.5 x 2 = 5 triệu / 1 tháng. Tiền điện, nước, internet tiết kiệm từ 4 triệu xuống còn 2 triệu. Như vậy số tiền tiết kiệm tối đa 1 tháng = 30 – 5 – 2 – 10 – 1 = 12 triệu / 1 tháng. Như vậy 2 vợ chồng có thể chi số tiền 12 x 2 = 24 triệu để mua sắm điện thoại.

Qua 3 ví dụ trên bạn có thể hiểu vì sao chúng ta nên lấy số tiền tiết kiệm tối đa hàng tháng làm căn cứ để tính mức chi tiêu cho mua sắm điện thoại, và bạn thấy đấy: chỉ gia đình số 2 là nên mua điện thoại iPhone 14 Pro Max (giá 37 triệu). ?

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu mua sắm điện thoại sao cho hợp lý. Hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trẻ đang cố gắng lao động nửa năm chỉ để mua 1 chiếc điện thoại mình thích. Nếu bạn có ý kiến hay quan điểm khác, vui lòng để lại bình luận bên dưới để chúng ta cùng trao đổi nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Nội dung bài viết